Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Xử lý các bất thường hay gặp ở vùng kín bé trai

Các dị dạng ở vùng bìu dễ nhận biết, tuy nhiên, đó là bệnh gì? Cách điều trị như thế nào? Có bắt buộc phải mổ không? Và quan trọng là khi nào thì phải mổ? Các phụ huynh có khá nhiều băn khoăn trước những bất thường ở vùng này.

Thoát vị bẹn - Nang thừng tinh - Tràn dịch màng tinh hoàn

Đây là các bất thường hay gặp nhất ở trẻ em có cùng biểu hiện là “bìu to” và hai bên không cân đối. Cả ba bệnh lý trên là biểu hiện khác nhau của cùng một tình trạng “còn ống phúc tinh mạc” do ống từ ổ bụng thông với bìu không được đóng lại hoàn toàn trong thời kỳ bào thai.

Biểu hiện của bệnh

Thoát vị bẹn: Bìu to lên, mất cân đối mỗi khi trẻ khóc hoặc chạy nhảy, thường là không đau, sau đó lại có thể tự xẹp đi khi nằm. Khi khám sờ thấy lỗ thoát vị rộng, có thể thấy quai ruột tụt xuống bìu.

Cần lưu ý rằng, thoát vị cũng gặp ở trẻ gái với biểu hiện là vùng môi lớn phình to lên, mất cân đối so với bên kia, thường xuất hiện khi gắng sức như khi trẻ khóc, chạy nhảy... sau đó tự xẹp đi khi nằm. Thường gặp là tình trạng buồng trứng và vòi trứng thoát vị xuống môi lớn. Nếu nghẹt, trẻ sẽ rất đau, cần mổ cấp cứu để tránh hoại tử.

Tràn dịch màng tinh hoàn: Bìu to thường xuyên, liên tục, mất cân đối ngay từ sau đẻ. Không đau. Sờ có dấu hiệu kẹp màng tinh hoàn. Siêu âm giúp xác định chẩn đoán.

Nang thừng tinh: Bìu to thường xuyên, liên tục, mất cân đối ngay từ sau đẻ, không đau, có thể sờ thấy “ba hòn”. Siêu âm giúp xác định chẩn đoán.Ẩn tinh hoàn là dị tật sinh dục bẩm sinh khá phổ biến ở trẻ em.

Ẩn tinh hoàn là dị tật sinh dục bẩm sinh khá phổ biến ở trẻ em.

Chỉ định điều trị

Thoát vị bẹn: Bắt buộc phải mổ để cắt và khâu lại bao thoát vị. Cần lên kế hoạch mổ sớm nhất có thể để tránh biến chứng nghẹt gây hoại tử ruột hoặc các tạng thoát vị.

Tràn dịch màng tinh hoàn và nang thừng tinh: Không bao giờ mổ trước 2 tuổi vì đây là khoảng thời gian mà ống phúc tinh mạc còn có khả năng tiếp tục kép lại. Nếu ống này đóng kín thì bệnh sẽ khỏi tự nhiên với tỷ lệ khoảng 65% các trường hợp. Sau 2 tuổi mà bìu vẫn to thì hoàn toàn mất cơ hội tự khỏi, khi đó cần mổ để khâu lại ống phúc tinh mạc và hút hết dịch trong nang hoặc trong màng tinh.

Tinh hoàn chưa xuống bìu

Bệnh biểu hiện với “bìu xẹp” lệch nếu ẩn tinh hoàn một bên hoặc xẹp hoàn toàn nếu ẩn tinh hoàn cả hai bên. Không sờ thấy tinh hoàn trong bìu. Cần khám khi trẻ thực sự thư giãn, các cơ thả lỏng. Dùng lòng bàn tay vuốt từ vùng mu xuống bìu có thể cảm thấy tinh hoàn nổi gờ lên. Nếu có lúc tinh hoàn sờ thấy ở bìu, có lúc lại di động lên vùng bẹn, trường hợp này gọi là “tinh hoàn lò xo”.

Ẩn tinh hoàn là bất thường bẩm sinh phổ biến ở hệ sinh dục của trẻ em. Trong vòng khoảng 6 tháng sau sinh, tinh hoàn vẫn có thể tiếp tục quá trình di chuyển và xuống đến đúng vị trí trong bìu. Tuy nhiên, khả năng một tinh hoàn tự di chuyển xuống bìu vào vị trí bình thường không nhiều. Nếu sau 6 tháng tuổi mà tinh hoàn chưa xuống bìu, trẻ cần phải được điều trị để tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, dễ xảy ra biến chứng xoắn tinh hoàn, thậm chí ung thư tinh hoàn.

Xoắn tinh hoàn là một biến chứng thường xảy ra vào lứa tuổi dậy thì, ở những trẻ bị ẩn tinh hoàn chưa được mổ. Bệnh biểu hiện với đau dữ dội, đột ngột ở bìu. Vùng bìu bẹn sưng to, sờ rất đau, có thể chuyển màu tím đen. Đây là một cấp cứu tối khẩn cấp, nếu mổ muộn sau 6 giờ tính từ cơn đau đầu tiên thì khả năng phải cắt tinh hoàn bị hoại tử do xoắn là rất cao.

Phương pháp điều trị

Điều trị ngoại khoa: Với tất cả những trẻ đã quá 6 tháng tuổi mà không sờ thấy tinh hoàn ở bìu đều cần phải được khám và điều trị. Mổ hạ tinh hoàn là phương pháp điều trị cơ bản và hiệu quả nhất.

Điều trị nội khoa: Thuốc nội tiết có tác dụng giúp tinh hoàn di chuyển xuống bìu. Tuy nhiên, thuốc nội tiết có những tác dụng không mong muốn khó kiểm soát. Việc sử dụng thuốc nội tiết trong điều trị ẩn tinh hoàn phải được bác sĩ chuyên khoa xem xét theo từng trường hợp cụ thể và theo dõi sát.

BS. Lê Sĩ Trung

0 nhận xét:

Đăng nhận xét