Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Việc cần làm khi trẻ sốt phát ban

Sốt phát ban (SPB) là một bệnh gặp chủ yếu ở trẻ em nhưng vẫn có thể gặp ở người trưởng thành. Bệnh được biểu hiện bằng sốt và nổi nhiều chấm đỏ (phát ban) rải rác trên da toàn thân. Đây là một bệnh truyền nhiễm dễ lây lan thành dịch và có thể biến chứng nguy hiểm.

Sốt phát ban là cụm từ dùng chung cho các bệnh có sốt và phát ban, nguyên nhân của SPB khá đa dạng, có thể do virut sởi hoặc do virut Rubella (bệnh sởi Đức) hoặc do virut đường ruột (Enterovirus) ECHO virus gây ra. Ngoài ra, có một số bệnh nhiễm trùng có sốt và giai đoạn đầu nổi nốt sẩn giống ban như sốt xuất huyết, thủy đậu, bệnh tay chân miệng hoặc viêm da dị ứng… rất dễ nhầm với SPB. Vì vậy, khi gọi là SPB, muốn ám chỉ là bệnh sởi hoặc bệnh Rubella.

Nhiễm Enterovirus là một trong những nguyên nhân gây sốt phát ban ở trẻ.

Cần phân biệt với các bệnh khác

Trẻ bị bệnh sởi bao giờ cũng có sốt. Sốt có thể nhẹ nhưng nhiều trường hợp sốt cao trên 39 - 40oC, vì vậy, trẻ dưới 3 tuổi có thể bị co giật kèm theo sốt, viêm đường hô hấp trên (ho, chảy mũi, viêm kết mạc mắt, có nhiều chất tiết (ghèn), sợ ánh sáng, mắt đỏ (đây là các dấu hiệu để nhận dạng sởi) hoặc có tiêu chảy. Đi kèm với sốt là các nổi ban (phát ban). Ban xuất hiện đầu tiên ở sau tai, lan dần ra hai bên má, cổ, ngực, bụng và cánh tay. Sau đó, ban lan nhanh ra lưng, xuống hông và chân. Chỉ trong thời gian 2-3 ngày, ban lan ra toàn thân. Trường hợp nặng, ban dày đặc che kín toàn bộ bề mặt da. Khi ban xuất hiện, nhiệt độ cơ thể tăng, ban mọc đến chân thì nhiệt độ giảm. Khi ban “bay” (sởi bay) sẽ để lại vết thâm trên da có dạng vằn (gọi là vằn da hổ). Bệnh sởi xảy ra quanh năm và lây truyền theo đường hô hấp, khả năng lây lan rất nhanh và bùng phát thành dịch.

Trong khi đó, bệnh sốt phát ban Rubella, sau khi giảm sốt, những nốt ban màu hồng mịn bắt đầu từ mặt sẽ lan nhanh xuống bụng và tay chân. Ban lưu lại trên cơ thể trong khoảng từ 3-5 ngày, khi hết, ban không để lại vết thâm, vằn như sởi. Đây là bệnh sốt phát ban lành tính, ít có biến chứng nhưng rất nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai vì có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Khoảng 70% phụ nữ mắc bệnh Rubella có thể bị biến chứng đau, viêm khớp. Bệnh Rubella dễ bị nhầm với bệnh sởi (vì cũng gây tiêu chảy nhẹ, mí mắt sưng…) nhưng bệnh sởi thường gây bệnh cho trẻ từ 1 tuổi trở lên, còn Rubella gây bệnh cho đủ mọi lứa tuổi.

Với bệnh thủy đậu, từ lúc trẻ nhiễm bệnh cho đến lúc phát ban khoảng 2 tuần. Giai đoạn đầu của bệnh giống với sởi, Rubella (trẻ sốt nhẹ, nhức đầu, chảy nước mũi, đau họng…), sau đó, tại vùng đầu xuất hiện các nốt đỏ lan ra vai, mặt, xuống cổ và toàn thân. Mụn đỏ lớn dần, bên trong chứa nước căng mọng. Số lượng mụn có thể từ vài chục đến hàng trăm. Ban mọc nhiều đợt, vì vậy, có thể thấy trên một vùng da có nhiều nốt sẩn, mụn nước trong, mụn nước đục và cả mụn đóng vảy. Khi khỏi, bệnh không để lại vết thâm vằn như bệnh sởi nhưng có thể bị nhiễm khuẩn gây lở loét và để lại sẹo.

Với bệnh tay, chân, miệng thường gặp ở các bé dưới 3 tuổi, triệu chứng ban có thể nhầm lẫn với sởi, Rubella, đặc biệt là bệnh thủy đậu. Các triệu chứng khởi phát giống với SPB, thủy đậu. Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 10, trẻ có các triệu chứng đặc trưng là loét miệng (vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi gây đau miệng khiến bé bỏ ăn), hồng ban có gờ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Khi khỏi không để lại vết thâm ở da như bệnh sởi.

Với bệnh sởi chỉ nguy hiểm khi có biến chứng, các biến chứng thường gặp của sởi là viêm phổi, viêm tai giữa, đi ngoài ra máu và đặc biệt là viêm não. Bệnh Rubella, với trẻ ít khi có biến chứng, tuy vậy, nếu phụ nữ đang mang thai trong vòng 3 tháng đầu mắc bệnh Rubella sẽ ảnh hưởng đến thai nhi gây sảy thai, đẻ non và thai nhi sinh ra mắc nhiều dị tật ở mắt (đục thủy tinh thể), bệnh tim bẩm sinh, bại não, các dị dạng về xương.

Chăm sóc trẻ bị sốt phát ban

Để trẻ không mắc bệnh SPB cần tiêm phòng cho trẻ theo lịch tiêm phòng của ngành y tế.

Khi trẻ mắc bệnh SPB, cần cách ly với trẻ lành và chăm sóc cẩn thận, có thể điều trị tại nhà bằng cách lau mát cho trẻ khi trẻ sốt, nếu không đỡ có thể cho uống thuốc hạ sốt paracetamol với liều lượng 10mg/1kg cân nặng của trẻ, 6 giờ sau, nếu vẫn sốt, cho uống tiếp với liều lượng như vậy. Cần cho trẻ uống nhiều nước, tốt nhất là uống dung dịch oresol (ORS) và uống thêm nước hoa quả tươi (cam, dưa hấu, xoài…). Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Tuy vậy, khi thấy trẻ sốt cao không giảm hoặc thấy các dấu hiệu bất thường (mệt mỏi, khó thở, phân có máu, chảy mủ tai, co giật…), cần phải cho trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Hằng ngày cần tắm, rửa bằng nước ấm, trong phòng kín gió để tránh trẻ bị cảm lạnh.

BS. Việt Anh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét